Hiện tại ở thị trường Việt Nam có rất nhiều dòng Organ học tập dành cho thiếu nhi hoặc người mới bắt đầu chơi đến từ vô số các thương hiệu trên toàn thế giới với các mức giá đa dạng và nhiều sự lựa chọn cho khách hàng. Nhưng cũng không dễ gì để cho một người mới bắt đầu tìm hiểu về organ chọn lựa cho mình một sản phẩm organ phù hợp với nhu cầu vì có rất nhiều khía cạnh cần cân nhắc khi chọn lựa đàn như: thương hiệu sản xuất, nhà phân phối uy tín, chức năng phù hợp với nhu cầu, mẫu mã kiểu dáng sản phẩm và quan trọng nhất không thể bỏ qua là giá thành hợp lí với túi tiền mà khách hàng muốn đầu tư. Bài viết này sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan và cụ thể hơn về thị trường đàn organ học tập tại Việt Nam nhằm hỗ trợ bạn lựa chọn được một sản phẩm organ học tập phù hợp và ưng ý nhất.
1. Thương hiệu và thế mạnh của từng hãng đàn organ trên thị trường:
Điều đầu tiên mà rõ ràng bất cứ khách hàng nào cũng quan tâm là sẽ mua đàn của thương hiệu nào sản xuất và độ uy tín cũng như khả năng bảo hành của hãng đàn mà mình sẽ mua có được đánh giá cao không. Nói đến organ học tập thì không thể không nói đến hai ông lớn đến từ Nhật Bản là: Casio và Yamaha, đây là 2 thương hiệu đã quá quen thuộc với những người tiêu dùng ở mọi quốc gia vì độ phủ sóng và chất lượng sản phẩm của 2 hãng này là rất tốt. Organ của Casio nổi tiếng với sự gọn nhẹ có kích thước và trọng lượng ở mức vừa phải, tính năng và cách vận hành rất dễ sử dụng thao tác khi chơi, tất cả các mẫu organ của Casio đều làm phím dạng hộp piano có hình dáng giống phím piano nên về mỹ quan bên ngoài trông rất vừa vặn và đẹp mắt hơn hẳn những hãng khác, với giá thành không quá cao chỉ từ 3tr trở lên thì Casio đang là mẫu đàn được ưu chuộng nhất tại các lớp nhạc cho thiếu nhi và các bạn trẻ. Đàn organ Yamaha thường đánh mạnh vào ngoại hình bắt mắt, các mẫu organ của hãng này đều làm dạng phím có chỗ hở phía dưới, thế mạnh của hãng Yamaha trong phân khúc thiếu nhi là bộ dữ liệu mặc định trong máy có giai điệu hay và bắt tai. Ngoài hai ông lớn kể trên thì vẫn có các sản phẩm đến của thương hiệu cũng không kém phần nổi tiếng từ Nhật Bản là Roland, organ của hãng này ngày trước được người chơi nhạc mặc định là dành cho phân khúc chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp khi mang tới cho người dùng một cây đàn có vô số chức năng mở rộng và âm thanh tuyệt hảo đi kèm với thiết kế hiện đại mạnh mẽ, nhưng từ sau năm 2018 hãng Roland đã bắt đầu quan tâm hơn đến phân khúc học tập khi cho ra mắt các dòng EX seri có giá thành dưới 10 triệu dành cho người mới bắt đầu chơi, các sản phẩm E-X20 E-X30 của hãng này cũng là một sự lựa chọn đáng để bạn cân nhắc.
2. Phân khúc giá thành và model được đánh giá cao trong từng tầm giá:
Tiếp theo mình xin giới thiệu về sản phẩm của từng hãng trong các phân khúc giá để các bạn dễ lựa chọn hơn.
Dưới 3 triệu: Hiện tại các mẫu đàn chính hãng thì phân khúc dưới 3 triệu chỉ có duy nhất một model đó chính là Yamaha F51, đây là một model được hãng Yamaha thiết kế đơn giản với một màn hình led chỉ hiện thị số để lựa chọn điệu nhạc và tiếng đàn theo mục lục được dán trên đàn. Model này là sản phẩm dành cho người mới chơi muốn đầu tư mức cơ bản và giá thành thấp nhất có thể. Đàn có 61 phím và có thể sử dụng cả pin lẫn adaptor cấp nguồn điện trực tiếp.
Đàn organ Yamaha PSR F51
Từ 3 đến 4 triệu: Trong phân khúc này có 2 mẫu thịnh hành được nhiều người lựa chọn nhất là Casio CT-S200 và Yamaha E263. CT-S200 là model có thiết kế gọn nhẹ, thiết kế tay cầm để mang vác đàn đi lại tiện lợi, thiết kế đơn giản với ít nút điều khiển và một màn hình LCD vừa vặn bên tay trái. CT-S200 có 61 phím dạng hộp piano cho cảm giác chơi ở mức ổn, âm thanh của CT-S200 đa dạng và phù hợp cho các bạn nhỏ sử dụng.
Đàn organ Casio CT-S200
Yamaha E-263 cũng là một model có thiết kế gọn nhẹ, cách bố trí màn hình LCD và nút điều khiển theo dạng phổ thông được đặt ở giữa và các nút xung quanh, E-263 có 61 phím dạng hở đáy và âm thanh ở mức trung bình. Trong tầm giá này mình đánh giá 2 mẫu này ngang ngửa nhau và không có mẫu nào nhỉnh hơn hẳn, khuyết điểm cả 2 là chưa có cảm ứng lực để tạo cảm xúc cho người chơi ở mức tốt.
Đàn organ Yamaha PSR E263
Từ 4 đến 6 triệu: Các model phổ biến trong phân khúc này có thể kể đến là Casio CTK-3400, CT-X700 và Yamaha E-363. Casio CTK-3400 là model được thiết kế dành cho các lớp học tập thể, sản phẩm được lược bớt các tính năng tự học như bài hát mẫu mà tập trung chủ yếu vô các tính năng cần thiết hơn cho lớp học như: 61 phím đàn cảm ứng lực, bend luyến tiếng,…
Đàn organ Casio CTK-3400
Còn với CT-X700 thì đây là một model có thiết kế khá vừa mắt với 61 phím đàn cảm ứng lực dạng hộp piano, đàn có 160 bài hát mẫu, 195 điệu nhạc và 600 tiếng nhạc cụ được cài đặt sẵn nên dễ dàng đáp ứng nhu cầu học tập của người mới tập.
Đàn organ Casio CT-X700
Cuối cùng là model Yamaha E-363 đây là mẫu có giá thành rẻ nhất của Yamaha có tính năng touch response (cảm ứng lực) tạo cảm giác nặng nhẹ khi đánh cho người chơi, model này được hãng thiết kế chủ đạo cho đối tượng từ 3 đến 12 tuổi với các tính năng dễ xài và dễ thao tác, tuy nhiên model này vẫn chưa có tính năng lưu trữ bank tiếng nhanh để sử dụng nhiều loại nhạc cụ trong cùng một bài đánh.
Đàn organ Yamaha PSR E363
Trong 3 model thuộc phân khúc này mình đánh giá cao nhất model CT-X700 cả về ngoại hình lẫn tính năng và nó là model mình khuyên bạn nên chọn nếu tầm giá bạn đầu tư nằm trong phân khúc giá này.
Từ 6 đến 8 triệu: Đây là phân khúc được nhiều người quan tâm nhất vì lên đến tầm giá này bạn đã bỏ ra một khoản “kha khá” để đầu tư rồi nên các tính năng của các mẫu đàn organ trong phân khúc này rõ ràng phải tương đối đầy đủ để bạn có thể sử dụng lâu dài và ít nhất là có thể giải trí tại nhà. Và các model mình muốn gợi ý cho bạn là: Casio CT-X3000, Roland E-X20A và Yamaha E-463.
Nổi trội nhất trong 3 model kể trên là CT-X3000 đến từ Casio, đây là model được cải tiến mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của Casio khi mang vẻ ngoài rất mạnh mẽ và bắt mắt, đi kèm với đàn là 2 bên loa rất cá tính có bass dày và mạnh mẽ. Model này có 61 phím dạng hộp piano có cảm ứng lực cùng với tính năng sustain tự động, bạn có thể không sử dụng pedal nhưng vẫn đánh được chế độ sustain, ngoài ra với khả năng mở rộng nạp thêm bộ dữ liệu điệu và tiếng từ bên ngoài qua USB (100 tiếng đàn và 50 điệu nhạc nạp vào) thì CT-X3000 hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng lâu dài của bạn về sau khi trình độ chơi đã được phát triển. Ngoài ra CT-X3000 còn có thêm cho mình nhiều tính năng khác như: Bend rung luyến tiếng, 16 bank tiếng nhanh mỗi bank 8 tiếng đàn, ghi âm bài hát người chơi đánh,…
Đàn organ Casio CT-X3000
Yamaha E-463 là model có sự kế thừa phần lớn kiểu dáng và tính năng của những người đàn anh đã nhiều năm liền làm mưa làm gió trong phân khúc này là E-453, E-443. Yamaha E-463 cũng sở hữu cho mình các tính năng tương tự như CT-X3000 ở trên như: 61 phím cảm ứng lực, thu âm lưu trữ bài hát người chơi vào bộ nhớ đàn, chép thêm 10 điệu nhạc bên ngoài vào đàn qua USB, bend rung luyến tiếng,…Nhưng theo mình đánh giá sản phẩm này là bước đi lùi của Yamaha khi sự cải tiến dành cho model này so với các dòng đàn trước là không đáng kể và điều đó khiến cho E-463 bị các đối thủ cùng phân khúc vượt qua.
Đàn organ Yamaha PSR-E463
E-X20A là mẫu organ có giá thành thấp nhất hiện nay hãng Roland còn sản xuất, model này thể hiện tham vọng bước vào thị trường organ học tập của công ty này. Với thiết kế đơn giản và dễ sử dụng E-X20A phần nào giúp cởi bỏ quan niệm đàn Roland là rất khó xài khi nó có giao diện và phân bố nút khá tương đồng với các hãng khác, điểm cộng lớn nhất của model này là hệ tiếng rất chân thực và chất lượng âm thanh lên đến 128 Polyphony nên nếu bạn sử dụng tai nghe hoặc cắm jack từ E-X20A ra thiết bị loa bên ngoài bạn sẽ được một định mức âm thanh đầu ra tuyệt vời. Tuy nhiên điểm trừ của model này là hệ thống loa trên đàn công suất chỉ có 6W bằng một nửa so với hai model còn lại cùng phân khúc đang có là 12W.
Đàn organ Roland E-X20A
Từ 8 triệu đến 12 triệu: Cuối cùng là phân khúc cao nhất trong dòng học tập, với tầm giá này bạn đang có thể sở hữu một cây đàn organ đầy đủ các tích năng cơ bản và có thêm một số tính năng ở mức bán chuyên nghiệp. Các mẫu đàn trong phân khúc này thường dành cho giáo viên, người lớn và các bạn trẻ trên 15 tuổi đang làm quen hoặc cũng đã biết chơi organ mức cơ bản, các mẫu đàn trong phân khúc này thường để sử dụng lâu dài và không cần nâng cấp trừ khi bạn chơi lên trình độ chuyên nghiệp. Có 3 model trong phân khúc này mình muốn giới thiệu là: Roland E-X30, Casio WK-7600 và Roland BK-3.
Roland E-X30 là một phiên bản nâng cấp hơn của E-X20A khi có kiểu dáng tương đối giống với người anh em của mình chỉ có thay đổi đôi chút về màu sắc của thân vỏ khi đổi qua màu xanh đậm thay vì màu đen bạc như E-X20A. Organ Roland E-X30 có cho mình các sự nâng cấp đáng kể về dữ liệu khi có thể sử dụng USB để load điệu nhạc và tiếng đàn vào bộ nhớ, ngoài ra E-X30 còn có công suất loa tổng là 20W với chất lượng âm thanh đa âm lên đến 256 polyphony đây là một chất lượng âm thanh đạt mức cao và ngang với các dòng organ chơi sân khấu vì vậy âm sắc E-X30 được mô phỏng theo giai điệu pianio hàng ngày của các pianist hàng đầu trên thế giới. Bao giờ cũng vậy, các giai điệu piano truyền thống là chất âm lý tưởng cho việc học và thực hành âm nhạc. Và với các giai điệu được trang bị khác như: nhạc cổ điển, pop, rock, jazz và nhạc dân tộc, bạn có thể tái tạo các bản nhạc ở bất kỳ phong cách nào với giai điệu chuẩn xác và đầy biểu cảm. E-X30 còn có thể đọc file MP3 và cắm thêm 1 cổng Micro vào đàn, bạn có thể sử dụng nó để ca hát giao lưu và thậm chí là hát Karaoke trên E-X30. Đây quả thực là một model organ tiện lợi với giá thành chưa tới 10 triệu đồng.
Đàn organ Roland E-X30
Casio WK-7600 là một mẫu organ được hãng thiết kế dùng cho giáo viên dạy tại các lớp nhạc và dành cho người đam mê chơi cả piano khi có tới tận 76 phím đàn dạng hộp có cảm ứng lực, WK-7600 có Nguồn âm thanh AHL được lập trình trước với các mẫu âm thanh kỹ thuật số được ghi bằng công nghệ nghệ âm thanh gốc cũng như những công nghệ tiên tiến khác của Casio, có khả năng tái tạo tất cả độ êm tự nhiên của dạng sóng gốc. Mang đến 820 âm cài sẵn khác nhau. Bạn cũng có thể lưu tối đa 100 âm gốc của riêng mình để có thể truy cập bất cứ khi nào cần đến. Tổng cộng 260 nhịp điệu cài sẵn bao gồm nhiều thể loại âm nhạc, từ rock và pop cho tới jazz, Latin, các tác phẩm piano và hơn thế nữa. WK-7600 là model mình khuyến nghị sử dụng nếu bạn có nhu cầu thử sức với piano vì chỉ cần trang bị thêm một pedal sustain bạn đã dễ dàng để thử sức với bộ môn piano trên cây đàn này.
Roland BK-3 là mẫu đàn thiên về khuynh hướng chuyên nghiệp và nâng cao nhất trong các mẫu mà mình giới thiệu ở đây, BK-3 sở hữu các tính năng mà một người chơi mong muốn để chơi tất cả các thể loại nhạc từ: dân ca, DJ, nhạc trẻ, nhạc ngoại, Bolero,… Với một loạt các âm và nhịp điệu chất lượng, phát lại bài hát thông qua bộ nhớ USB, loa tích hợp, và nhiều hơn thế nữa… Roland BK-3 mang lại niềm vui bất tận vì nó có thể chơi tất cả các phong cách âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Đông Âu, Mỹ Latinh, và châu Á. Tích hợp hơn 850 tiếng và 50 âm của bộ trống, tương thích với GM2, GS và các định dạng XG Lite đảm bảo chất lượng cao, phát lại các tập tin midi.
Roland BK-3 còn có cho mình một hệ bàn phím cực chắc chắn và được đánh giá cao từ những người đã sử dụng, tính năng Bend 3 chiều mang lại khả năng điều khiển và luyến các tiếng đàn như: flute, tranh, sáo, bầu,…một cách thoải mái và cực bắt tai. Roland BK-3 là lựa chọn hoàn hảo cho ai muốn học tập lên mức chuyên nghiệp và chơi lâu dài đầy đủ tính năng.
3. Các thương hiệu khác và lời khuyên dành cho người mua hàng.
Ngoài ba thương hiệu lớn kể trên thì còn có các thương hiệu đàn organ khác trên thị trường như: Korg, Kurtzman,XinYun…Nhận định chung thì ngoài Korg là thương hiệu lớn và uy tín nhưng chỉ chuyên về dòng cao cấp và không có sản xuất model nào dành cho học tập, còn lại các thương hiệu China như Kurtzman hay XinYun chỉ được xếp vào dạng “đồ chơi cho vui” chứ tính năng và khả năng học tập gần như là không đáng kể khi tiêu chuẩn sản xuất của các dòng này rất kém và thiếu, dữ liệu và sự đồng bộ về cách sử dụng của các thương hiệu lạ dạng như này là hỗn tạp và khó xài hay nói đúng ra là không xài được. Các giáo viên hoặc những ai đã lỡ trải nghiệm qua các dòng đàn như vậy đều chỉ có kết luận là nên bỏ qua các dòng này vì rất khó để hướng dẫn và dạy học organ trên các mẫu đàn này khi chúng không đạt tiêu chuẩn chất lượng để đủ học tập. Lời khuyên chung của mình dành cho tất cả khách hàng là nên “TRÁNH XA VÀ BỎ QUA” các sản phẩm kém chất lượng này vì ngoài tốn tiền thì bạn chỉ rước được sự bực tức khi mua các thương hiệu này về sử dụng.
4. Lời kết
Rất mong những chia sẻ cụ thể của mình ở trên đã giúp các bạn có cái nhìn cụ thể hơn về các dòng đàn organ dành cho học tập hiện nay có trên thị trường. Lời khuyên của mình đến từ những trải nghiệm và cảm nhận thực tế sau thời gian dài tiếp xúc với rất nhiều mẫu đàn trên thị trường, các bạn cũng nên đến tận nơi để được tư vấn và trải nghiệm thực tế để cảm nhận xem sản phẩm nào thực sự phù hợp với mình. Xin chào và hẹn gặp lại các bạn ở các bài viết khác.